Chào mừng bạn đến với cửa hàng Shop thế giới điện máy, khuyến mãi đang chờ đợi bạn
Ưu đãi lớn dành cho thành viên mới
Danh mục
shopthegioidienmay

Học theo CEO Xiaomi, lãnh đạo nhiều hãng ô tô Trung Quốc livestream để thúc đẩy doanh số bán hàng

Thứ Ba, 25/06/2024
NGUYỄN TRUNG DƯƠNG

Cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường Trung Quốc khiến giám đốc cấp cao các hãng ô tô truyền thống cũng phải phát trực tiếp (livestream) để thúc đẩy doanh số bán hàng.

Những tháng gần đây, ngày càng nhiều lãnh đạo các công ty khởi nghiệp ô tô điện và hãng xe hơi nhà nước Trung Quốc tham gia livestream quảng bá sản phẩm.

Ngoài việc tăng cường sức hấp dẫn với người tiêu dùng trẻ tuổi, livestream còn mang đến cho các công ty cơ hội tương tác trực tiếp hơn với khách hàng tiềm năng và trình diễn công nghệ cùng hiệu suất của ô tô mà không cần quảng cáo trên tivi hay phương tiện truyền thông vốn tốn kém.

Mark Tanner, Giám đốc điều hành công ty tiếp thị China Skinny (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải), cho biết: “Nếu không livestream những ngày này, bạn sẽ giống như một con khủng long (trở nên lỗi thời và lạc hậu). Nếu ai đó có thể cung cấp điều gì mới lạ, độc đáo thì việc lắng nghe những người có uy tín trong ngành thông qua smartphone sẽ rất hấp dẫn”.

Cách tiếp cận này có những điểm tương đồng với chiến lược bán hàng trực tiếp của Tesla, vốn đi tiên phong trong việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa chủ sở hữu, thương hiệu và Giám đốc điều hành Elon Musk thông qua ứng dụng, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác của hãng.

Cá nhân hóa livestream

Sự phát triển gần đây hơn là tính cá nhân hóa livestream nhiều hơn, thường có sự tham gia của lãnh đạo các hãng ô tô vào chuyến đi đường dài. Các video cho phép khách hàng tiềm năng tự mình xem tình hình hoạt động của ô tô trong thời gian thực, với phạm vi lái xe và các tính năng hỗ trợ lái là mối quan tâm hàng đầu của họ.

Lei Jun (Lôi Quân), Giám đốc điều hành Xiaomi có gần 24 triệu người theo dõi trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc, đang tạo áp lực để các đồng nghiệp của mình cải thiện và tăng cường hoạt động trên mạng xã hội. Buổi ra mắt ô tô điện Speed Ultra 7 (SU7) của Xiaomi vào tháng 3 đã được hàng chục triệu khán giả theo dõi trực tuyến. Xiaomi đã xuất xưởng khoảng 20.000 chiếc SU7, giá từ giá từ 30.000 USD (tương đương 215.900 nhân dân tệ).

Hồi tháng 5, Lei Jun đã thu hút được 39 triệu lượt xem cho buổi livestream kéo dài 3 tiếng rưỡi quay cảnh ông sử dụng tính năng lái tự động của SU7 trong chuyến đi giữa thành phố Thượng Hải và Hàng Châu (Trung Quốc). Lei Jun được một số người hâm mộ gọi là “Thor” trên mạng xã hội.

William Li, nhà sáng lập hãng ô tô điện Nio, cũng trở thành người livestream thường xuyên kể từ khi thực hiện điều này lần đầu tiên trên tài khoản Weibo cá nhân đầu tháng 3. Những chuyến đi xuyên quốc gia của William Li trên các ô tô điện Nio đã giúp xây dựng được lượng người theo dõi lên tới khoảng 600.000.

Tiếp đó, nhà sáng lập các công ty sản xuất ô tô truyền thống Trung Quốc, gồm cả Li Shufu của hãng Zhejiang Geely Holding Group và Wei Jianjun của hãng Great Wall Motor, đã tham gia livstream. Buổi livestream đầu tiên từ Wei Jianjun giới thiệu các tính năng hỗ trợ lái xe tiên tiến của Great Wall Motor.

Giờ đây, lãnh đạo một số hãng sản xuất ô tô thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc cũng tham gia vào hoạt động livestream. Guangzhou Automobile Group đã đăng ký tài khoản Weibo lần đầu tiên vào tháng 5, gồm cả Chủ tịch Feng Xingya và Gu Huinan, người đứng đầu thương hiệu xe điện Aion.

Trong video đầu tay của mình, Gu Huinan có vẻ hơi lúng túng khi các biên tập viên cố gắng làm cho nội dung trở nên hấp dẫn hơn bằng cách thêm lời chào từ Yi Jianlian (cựu cầu thủ bóng rổ NBA) cũng như phần lồng tiếng và hoạt ảnh dễ thương.

“Trước đây, mọi người trong ngành cho rằng chúng tôi hơi dè dặt. Loại nền tảng này mang lại cho chúng tôi sự tương tác trực tiếp với người dùng. Họ biết chúng tôi nghĩ gì, chúng tôi biết họ muốn gì”, Gu Huinan nói trong cuộc thảo luận tại một diễn đàn ô tô hồi đầu tháng 6.

Với một số người, việc chuyển từ phòng họp sang xuất hiện trực tiếp trước ống kính camera không phải là điều dễ dàng.

Yin Tongyue, Chủ tịch hãng ô tô Chery Automobile, đã bắt đầu livestream trong những tháng gần đây và nhấn mạnh rằng những người kỳ cựu như ông phải học hỏi từ các đồng nghiệp trong ngành có kỹ năng công nghệ cao hơn. “Ngay cả một người đàn ông 60 tuổi như tôi cũng phải làm điều này”, ông nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành Xiaomi là tấm gương cho toàn ngành

Sự thành công của Lei Jun trở thành tấm gương cho nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc noi theo, xây dựng thương hiệu cá nhân trên internet.

Mạng xã hội Trung Quốc đón nhận sự đổ bộ từ những giám đốc điều hành, nhà sáng lập, người thừa kế tương lai của các doanh nghiệp. Thay vì phụ thuộc vào kế hoạch truyền thông hay người nổi tiếng, lãnh đạo công ty sẽ trực tiếp quảng bá sản phẩm để tạo sự gắn kết với khách hàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào chiến lược này cũng thành công, khi những bê bối từ người quản lý có thể ảnh hưởng đến lớn đến doanh nghiệp.

Các phòng livestream trên internet Trung Quốc trở nên đông đúc lãnh đạo các hãng công nghệ và ô tô điện. Yin Tongyue của Chery Automobile thừa nhận rằng mình đang học hỏi Lei Jun và Richard Yu (Giám đốc bộ phận Sản phẩm tiêu dùng Huawei).

Việc Xiaomi livestream buổi ra mắt SU7 đóng góp một phần quan trọng cho doanh số bán hàng. Trong đó, sức hút của Lei Jun khi trực tiếp giới thiệu, quảng bá cho chiếc ô tô điện này là tấm gương cho toàn ngành.

Không gói gọn trong vai trò Giám đốc điều hành Xiaomi, Lei Jun còn là một KOL (người có sức ảnh hưởng) đại diện cho hãng này. Lei Jun trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội, meme hay cả nhân vật truyện ngôn tình.

Zhou Hongyi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng bảo mật 360 Security Technology, nhiều lần nhấn mạnh rằng các doanh nhân nên học cách trở thành người nổi tiếng trên internet. Việc này phải được thực hiện ngay lập tức, khi các nền tảng video ngắn bùng nổ với mức độ cạnh tranh cao.

Những lãnh đạo này vốn không xa lạ với máy quay hay truyền thông, nhưng khi tham gia vào phòng livestream, họ phải đối mặt với nhiều điều mới mẻ. Trong đó bình luận của những người dùng xa lạ là trở ngại lớn.

Các lãnh đạo trẻ tuổi, có nhiều kinh nghiệm trên internet, thích nghi với xu thế này nhanh chóng hơn. Một số người thừa kế công tyđã nắm bắt cơ hội, trở thành cá nhân nổi tiếng trước khi thật sự nắm quyền.

Luo Cheng, con trai thứ của người sáng lập công ty thực phẩm Holiland, có hơn 3 triệu người đăng ký trên Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok).

Ding Shuibo, con gái út người sáng lập Xtep, làm việc như một vlogger bán thời gian, thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi.

Nhóm người trẻ này xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội trái ngược với tưởng tượng của cộng đồng mạng về thế hệ phú nhị đại (con cái của giới nhà giàu mới nổi tại Trung Quốc).

Thay đổi cách quảng cáo

Việc tự xây dựng các kênh truyền thông cũng đưa những vị lãnh đạo này đến gần hơn với công chúng trên internet. Các nhãn hiệu có được sự quảng bá trên kênh độc quyền, không cần trả phí cho người nổi tiếng.

Thay vì khoản đầu tư cho quan hệ công chúng, đại lý bán hàng và các kênh khác để mở rộng thị trường, chính các lãnh đạo trở thành đại diện cho doanh nghiệp. Trang QQ nhận định rằng trong thời đại này, ảnh hưởng cá nhân có thể chuyển đổi thành tài sản qua internet.

Những vị này tạo cho người dùng cảm giác được mua hàng trực tiếp, loại bỏ các bước trung gian dẫn đến chênh lệch giá. Trong trường hợp của mình, Lei Jun còn tạo ra tập người hâm mộ trung thành, sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm mà Xiaomi ra mắt.

Tuy nhiên, hướng đi này cũng kèm với nhiều rủi ro vì bê bối cá nhân có thể kéo cả công ty đi xuống. Việc xử lý tình huống như vậy khó khăn hơn so với một người nổi tiếng được thuê ngoài.

Ví dụ, thương hiệu ô tô điện Zhiji nhận phải làn sóng chỉ trích gay gắt khi Giám đốc điều hành Liu Tao có những nhận xét tiêu cực về đối thủ Xiaomi. Zhiji sau đó phải ba lần đăng bài xin lỗi công khai.

Xem thêm: Shop thế giới điện máy

Kênh tin tức: Tin tức Xiaomi

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan


Messenger