Dùng thử Xiaomi Vacuum X20 mới: Giá hơn 9 triệu, biết nâng hạ bông lau, tự giặt sấy
Robot hút bụi lau nhà mới của Xiaomi được trang bị nhiều tính năng cần thiết để cải thiện trải nghiệm dọn dẹp mà không làm tăng chi phí quá nhiều.
Hầu hết mọi người thường chỉ chọn mua robot hút bụi, lau nhà có giá khoảng 5 triệu đồng hoặc thấp hơn. Khi thấy mẫu của Xiaomi có giá gần 10 triệu, có thể nghĩ rằng đó là sản phẩm cao cấp, nhưng thực tế chỉ là mức trung bình, với các tính năng chưa đạt mức đỉnh cao nhất. Dù vậy, với hầu hết mọi người, các tính năng mà dòng Vacuum X20 mới ra mắt này mang lại vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng.
Xiaomi Vacuum X20 không có khả năng hút vượt trội, nhưng lại được đánh giá cao về tính năng lau nhà, đặc biệt là với bông lau kép xoay giúp làm sạch vết bẩn hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sản phẩm đi kèm với dock sạc có thêm chức năng trạm giặt sấy tiện lợi, giúp phân biệt nước sạch và nước bẩn. Kích thước trạm không quá lớn, có thể gọn gàng đặt ở một góc nhà. Thiết kế của cả robot và trạm sạc đều đẹp mắt, với bản màu trắng tinh tế, tạo cảm giác sạch sẽ và sang trọng cho không gian nhà cửa, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Tính năng chính của robot Xiaomi Vacuum X20 bao gồm:
Điều hướng bằng laser LDS, lập kế hoạch vệ sinh thông minh.
Cảm biến laser nhận diện và tránh chướng ngại vật chính xác.
Giặt bông lau tốc độ cao, loại bỏ vết bẩn một cách hiệu quả.
Lực hút mạnh 5000Pa, dễ dàng loại bỏ bụi bẩn.
Ngăn chứa bụi lớn, dễ dàng tháo lắp.
Hệ thống lau với cơ chế xoay kép 180 vòng/phút, tự động nâng hạ thông minh.
Tự động quay trở về trạm sạc để làm sạch bông lau sau mỗi 5/10m2 sàn.
Bình chứa nước có dung tích lớn.
Dễ dàng kết nối và điều khiển từ xa qua ứng dụng.
Có thể điều khiển giọng nói qua Google Home và Alexa
Sức hút 5000Pa của Vacuum X20 không phải là mạnh nhất, nhưng đã đủ để xử lý mọi loại bụi bẩn hàng ngày, bao gồm cả những hạt bẩn lớn, lông thú cưng, tóc, hoặc hạt thức ăn khô. Robot chỉ sử dụng một chổi gom cạnh bên, nhưng sẽ tự động lập kế hoạch chạy dọc theo viền nhà trước rồi chuyển sang chế độ zigzag để đảm bảo làm sạch toàn bộ mặt sàn.
Phần bông lau kép của robot xoay 180 độ mỗi phút, áp lực vừa phải đối với mặt sàn, đủ để loại bỏ các vết bẩn thông thường. Tuy nhiên, đối với những vết bẩn bám chặt, thì dù lau đi lau lại nhiều lần cũng không thể loại bỏ được.
Tuy nhiên, điểm thông minh là bạn có thể lựa chọn để robot tự động trở về dock sạc và giặt bông lau sau mỗi 5m2 hoặc 10m2 sàn. Khi đó, việc kéo lê vết bẩn sẽ được hạn chế, không như các loại robot giá rẻ truyền thống. Ngoài ra, phần dock sạc còn cung cấp hai mức độ sạch khi giặt bông lau, tùy thuộc vào nhu cầu của gia chủ.
Hơn nữa, hai miếng bông lau có thể tự động nâng lên hoặc hạ xuống trong quá trình hoạt động. Ví dụ, khi robot nhận diện thảm lông, nó sẽ tăng lực hút và nâng bông lau lên, đồng thời ngừng cấp nước. Khi hoàn thành việc làm sạch trên thảm, khi quay lại sàn cứng, robot sẽ hạ bông lau xuống và tiếp tục làm việc ở chế độ đã cài đặt trước đó. Khi robot quay trở lại trạm sạc, hai miếng bông cũng sẽ được nâng cao để tránh bôi vết bẩn ra sàn nhà.
Khả năng nhận diện vật thể của Xiaomi Vacuum X20 chưa phải là tối tân nhất nhưng vẫn đủ tốt. Robot tạo bản đồ nhanh chóng sau vài phút chạy quanh nhà. Phần bản đồ 2D không hiển thị chi tiết từng vật thể như các sản phẩm cao cấp, nhưng đủ để robot hoạt động chính xác hơn. Nó cho phép tạo tường ảo, vùng cấm lau/hút để tránh va chạm vào vật thể không mong muốn. Mặc dù vẫn có thể đụng vào các vật thể nhỏ nhưng điều này giúp chổi gom bụi tiếp cận các khu vực khó tiếp cận hơn, tránh bỏ sót các vùng dưới gầm bàn hoặc góc tường.
Khả năng vượt chướng ngại vật của X20 cũng rất tốt. Robot có thể đi qua các vật thể có độ cao khoảng 2cm mà không gặp vấn đề. Chúng tôi đã thử cho robot di chuyển xung quanh chân quạt cây, một thách thức cho nhiều robot khác. Kết quả là X20 mất hơn 1 phút để tìm đường đi tiếp, nhưng không gặp trục trặc và tiếp tục hoạt động mà không cần sự can thiệp của người dùng như một số mẫu khác được gọi là "thông minh".
Một nhược điểm nhỏ của robot là vị trí 2 bông lau ở phía sau, làm cho nhiều vị trí không thể lau sạch được và robot chưa được lập trình để tự động tiếp cận các khe hở này, vì vậy đôi khi cần phải lau sạch bằng tay.
Ứng dụng điều khiển của X20 vẫn là Mi Home quen thuộc, nhưng giờ đây đã được tối giản hóa giao diện sử dụng một chút, không có quá nhiều tùy chọn phức tạp như trước. Quá trình cài đặt lần đầu cũng diễn ra nhanh chóng, chỉ mất vài phút để kết nối thành công. Thực tế, khi mua về, người dùng hoàn toàn có thể không cần phải kết nối với ứng dụng, nhưng nếu muốn tùy chỉnh quy trình lau dọn, ví dụ như điều chỉnh lực hút, thời gian giặt sấy bông lau hoặc dọn nhà theo vùng/phòng, thì sẽ cần phải tải ứng dụng về điện thoại.
Nhìn chung, với mức giá dưới 10 triệu, Xiaomi Vacuum X20 vẫn là một trong những sự lựa chọn đáng xem xét và cân nhắc. Ưu điểm của máy là tổng hợp đầy đủ các tính năng quan trọng và cần thiết nhất, không quá phô trương mà với nhiều người có thể coi là dư thừa.
Tuy nhiên, nếu túi tiền đủ dư dả hơn một chút, bạn có thể xem xét mua dòng Xiaomi Vacuum X20+ với giá khoảng hơn 11 triệu, có thêm tính năng tự làm sạch hộp bụi sau mỗi lần hoạt động, phù hợp hơn với các gia đình bận rộn, có thú cưng và/hoặc diện tích sàn nhà lớn, không cần phải tự tháo hộp bụi ra đổ hàng ngày nữa.
Nguồn: genk
Tìm hiểu thêm: Shop thế giới điện máy